Thứ bảy,23/11/2024
CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI 2024-2025

KẾ HOẠCH Về việc triển khai tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuât huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

thcstranquangdieu 27/05/2023 Lượt xem:84

KẾ HOẠCH
Về việc triển khai tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuât huyết
và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

Căn cứ Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2023 của UBND thành phố Quy Nhơn về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 trên địa bàn thành phố Quy Nhơn;
Căn cứ Công văn số 362/UBND-VX ngày 22 tháng 02 năm 2023 của UBND thành phố Quy Nhơn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn thành phố;
Căn cứ Công văn số 135/GDĐT-THCS ngày 23 tháng 02 năm 2023 của phòng GD&ĐT thành phố Quy nhơn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong các cơ sở giáo dục;
Trường THCS Trần Quang Diệu thực hiện kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
– Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường biết được các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
– Giáo viên, học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
– Không để xảy ra tử vong do sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
2.Yêu cầu:
– Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khi tham gia sinh hoạt tại trường, đồng thời vận dụng những kiến thức đã được truyền thông thực hiện phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
II. KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN:
Hình thức tuyên truyền: Thời gian: Chào cờ đầu tuần thứ 2 ngày 06/03/2023
Người thực hiện: Y tế trường học
Người tham dự: Cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường tham dự
Đồng thời giáo viên vận dụng những kiến thức đã được truyền thông lồng ghép tuyên truyền cho học sinh trong các buổi sinh hoạt lớp, lồng ghép trong các môn học giáo dục, phát thanh măng non.
III. BÁO CÁO:
Báo cáo cho phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Quy Nhơn và trạm y tế phường Trần Quang Diệu khi có dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác xảy ra tại trường.
IV. BÀI TUYÊN TRUYỀN:
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến. Trong lễ chào cờ hôm nay, tôi xin gửi đến quý thầy cô và các em những thông tin về cách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đặc điểm chung của các bệnh truyền nhiễm là truyền trực tiếp từ người qua người (bằng bệnh phẩm có nhiễm vi rút, vi khuẩn qua đường không khí hay trực tiếp tiếp xúc) và vật trung gian truyền qua người (muỗi).
A. Các dịch bệnh truyền nhiễm thường hay gặp:
1) Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm do virut Dengue gây nên. Nguồn lây chính: lây người bị bệnh sang người lành thông qua muỗi. Loài muỗi này gọi là muỗi vằn.
– Muỗi vằn thường đậu ở quần áo, chăn, màn trong nhà.
– Muỗi vằn hút máu vào ban ngày, cao nhất là vào sáng sớm và chiều tối.Vì vậy nó có thể lây lan thành dịch một cách nhanh chóng.
Khi có các triệu chứng của bệnh SXH nên:
– Hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên bằng Paracetamol, lau người bằng nước ấm khi sốt cao.
– Uống nhiều nước: dung dịch Oresol, nước trái cây…
– Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cháo, súp, sữa, thực phẩm giàu vitamin C.
– Nằm màn cả ngày và đêm, nghỉ ngơi tại giường.
– Đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Cách phòng bệnh SXH:
SXH “Là bệnh truyên nhiễm, lây thành dịch, nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, SXH không có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu”. Phòng bệnh bằng cách:
– Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy bằng cách loại bỏ các vật liệu phế thải, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
– Các dụng cụ chứa nước đang sử dụng phải đậy kín và thả cá vào chum, vại và các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, thường xuyên rửa sạch các dụng cụ chứa nước.
– Phát quang bụi rậm.
– Dùng nhang chống muỗi hay bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
– Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng để hạn chế muỗi.
– Phối hợp với ngành y tế để phun hóa chất phòng chống dịch.
– Mặc quần áo dài tay.
– Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
– Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
– Khi bị sốt hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
– Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
2) Dịch bệnh Covid 19: Lây qua đường hô hấp từ người sang người, đã có vacxin phòng bệnh.
3) Bệnh truyền nhiễm khác như: Viêm gan, bại liệt, quai bị, sởi, ho gà, cúm, rubella, thủy đậu, tay chân miệng. Những bệnh này lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, chất dịch bắn ra trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
B. Nguyên nhân bệnh truyền nhiễm phát triển:
– Vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.
– Vệ sinh cá nhân kém như: bệnh lây qua đường tiêu hoá, đường hô hấp, qua da và niêm mạc.
– Sự biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái.
C. Biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm:
Để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm chúng ta cần phải:
– Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chế độ ăn uống hợp lý ăn đủ chất, ăn chín uống sôi, chú ý ăn nhiều các loại rau, củ, quả nhưng cần xử lý sạch trước khi ăn, không ăn những thức ăn chưa được nấu chín, thức ăn ôi thiu…, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại trừ mầm bệnh.
– Tham gia tiêm chủng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia như viêm gan, bại liệt, quai bị, sởi, ho gà, cúm, rubella, thủy đậu, tay chân miệng và đặc biệt gần đây là Covid 19.
– Chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, lớp học và trường học, nhà cửa thông thoáng, tích cực khuyến cáo mọi người không vứt rác bừa bãi ra môi trường, rác cần được thu gom và xử lý đúng theo quy định, không làm ô nhiễm nguồn nước.
– Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh và người bệnh, người bệnh có ý thức trách nhiệm không lây bệnh cho người khác. Khi cần tiếp xúc với người bệnh nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để tránh nguồn bệnh lây qua đường hô hấp.
Để phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường không khí như COVID-19, nên sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng. Khẩu trang y tế có tác dụng tốt, nhưng chúng chỉ có thể được đeo 1 lần. Khẩu trang vải có nhiều lớp có thể chặn đến 70% các giọt bắn và giặt sạch để tái sử dụng thường xuyên. Sau khi tháo bỏ khẩu trang phải rửa tay.
Phòng bệnh là một yếu tố quan trọng đóng vai trò then chốt đối với các loại bệnh truyền nhiễm. Thực hiện đủ và đúng các điều trên sẽ hạn chế tối đa việc mắc bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.

HIỆU TRƯỞNG NGƯỜI LẬP KẾ HOẠCH

Võ Thị Hoàng Yến Võ Thị Mỹ Hưởng

2023-05-27T08:26:26+00:00